Muốn giàu thì phải có phước dày

Mình đã từ bỏ tính ki bo, bủn xỉn, hà tiện, tính toán, chi li như thế nào? Loại bỏ thói quen tật xẩu chỉ bằng làm phước thật nhiều có đúng?

Tính ích kỉ từ trong máu

Trước khi biết đến phật pháp, mình từng là đứa khá chi li, chỉ thường nhận lại và ít khi cho đi. Ví dụ như ít khi cho tặng, biếu quà dù là ngày sinh nhật người thân, hay những lúc đi du lịch vì ngại tốn kém mình cũng sẽ không mua quà về biếu, hay không bao giờ tự chủ động mời nước những đồng nghiệp đã hỗ trợ mình, rất ít bố thí cho người nghèo, thậm chí bỏ ra 10k để mua tờ vé số,… mỗi thứ mình chi tiêu đều được tính toán. Mỗi ngày chỉ được phép tiêu 100k thì mình sẽ hạn chế tất cả những điều khiến mình tốn kém nhất có thể trong 100k đó. Nhưng có một điều mình không thể tiết kiệm được đó là cơn thèm ăn, mình rất mê ăn ốc, ăn cua nếu đã thèm rồi là như rằng bất chấp hết mọi giới định mình phải mua và ăn được nó.

Mình có một bảng excel để ghi lại các lịch sử chi tiêu của mình hằng ngày nhưng thật lạ mình vẫn chi tiêu lố kế hoạch không ăn cái này thì mua cái kia, không đi chơi thì cũng đi đám cưới,… có quá nhiều chi phí phát sinh đến cả mình còn không hiểu nỗi.

Bản thân mình trong khoảng thời gian đó nhận thức được rằng dù mình rất chi li với người xung quanh nhưng lại quá phóng khoáng, nuông chiều bản thân vô điều kiện. Nếu mình chi tiêu hợp lý hơn, biết kiềm chế bản tính ham ăn, ham hưởng thụ, thích nuông chiều bản thân ấy để tiết kiệm mà làm từ thiện, bố thí giúp đỡ người khó khăn thì tốt biết bao nhiêu. 

Muốn giàu thì phải có phước dày

Mình tình cờ nghe bài pháp của Sư thầy Thích Giác Khang về việc bố thí cái nghèo, nôm na câu chuyện là có một bà lão vô gia cư sống nhờ những đồng bố thí của người xung quanh. Một hôm nhà sư nọ đi qua và xin bà cúng dường cho bữa ăn, bà lão bàng hoàng nói: “Con nghèo như vậy, một bữa ăn còn khó kiếm được sao có thể cúng dường cho sư phụ ạ”. Nhà sư mới bảo: “Vậy bà bố thí cái nghèo cho tôi đi.” Nghe được câu chuyện nhỏ này mình ngộ ra nhiều điều và hiểu rõ hơn về việc phải làm gì đó giúp đỡ cho xã hội ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Mình biết được sự nghèo khó, gian truân là do ta luôn giữ cái tính ki bo, chi li mà không biết cách sẻ chia với người xung quanh. Cũng vì nghĩ mình nghèo thì sao có thể giúp đỡ cho người khác được, nó khiến ta luôn bị kiềm hãm. Sự kiềm hãm trong tư duy đó khiến ta càng chi li, tính toán, hẹp hòi cho dù rằng ta may mắn được giàu có, kiếm được số tiền lớn, ta theo bản năng mà lấy số tiền đó để hưởng thụ, tiết kiệm cho tương lai mà không cảm thấy đủ để làm việc thiện.

Xung quanh bạn có hay gặp những bà cô, ông bác giàu có nhất nhì làng, xóm nhưng vẫn bị mọi người gọi là ki bo, bủn xỉn không? Tính ích kỉ chỉ càng lớn theo tư duy “đợi giàu rồi hẳn làm người tốt” chứ không hề kết thúc khi họ đã giàu, dư giả thật sự vì lòng tham là không đáy, nên không ai biết được thế nào là ĐỦ cả.

Trường hợp khác, có những người ít phước mà còn không biết làm phước làm thiện thì có đợi đến già cũng chưa thấy họ làm được gì cả vì muốn giàu có thì phước phải dày. Tiền làm ra đồng nào là tiêu sạch đồng đó, không tiêu thì cũng vì lý do bất ngờ khiến ta mất sạch. 

Bản chất của giàu có là do có phước nhiều tích lũy từ những kiếp trước, nên khi đã nghèo mà còn không biết làm phước muôn đời vẫn nghèo khổ, gian truân. Nếu nghèo thì hãy làm phước vừa sức mình thôi, không có tiền thì bỏ công, có rất nhiều cách để làm việc thiện mà không phải chỉ có tiền mới làm được.

Giữa thật nhiều tiền và thật nhiều phước, thì bạn chọn cái nào?

Tiền không phải thước đo của sự giàu có vì nếu có giàu cỡ nào, tài sản có nhiều đến mức năm đời ăn cũng không hết đi chăng nữa một khi đã hết phước thì sẽ không cánh mà bay. Biết tiết kiệm tiền, quản lý tài chính là tốt nhưng tiền đó để yên không tạo ra việc lành, việc tốt cho đời thì chỉ càng ngày càng giảm sút theo lạm phát, thị trường,… chứ  khó mà tăng trưởng.

Khi hết phước bỗng nhiên khiến ta đổ bệnh chỉ có thể ăn cháo và không làm được gì cả thì có tiền nhiều cũng vô dụng. Chỉ khi biết tu tập, siêng làm phước thì cái phước đó mới đi với ta từ kiếp này đến kiếp khác. Còn tiền bạc có nhiều đến mấy chết đi cũng không thể đem theo.

Muốn giàu thì phải có phước dày

Bản thân mình trước giờ cũng từng có suy nghĩ thiển cận đó. Luôn tự an ủi rằng khi nào mình thiệt giàu có thì sẽ siêng đi làm từ thiện hơn, dốc sức phụng dưỡng cha mẹ hơn,… Nhiều lúc mua tờ vé số để ủng hộ bà con nghèo khó mình cũng suy nghĩ rất nhiều vì sợ tốn kém. Tính đến thời điểm hiện tại vì lý lẽ ấy mà mình chưa giúp đỡ được bao nhiều người. Tệ hại hơn là mình chỉ lo hưởng thụ mà không biết giúp đỡ cho ai.

Phật pháp nhiệm màu

Tự khi biết đến phật pháp mình dành nhiều thời gian đi chùa hơn, tham gia các hoạt động của Chúng Thanh Niên, chăm nghe pháp hơn. Mình hiểu rõ hơn về sứ mệnh của mỗi con người trong chốn nhân sinh này là để làm gì, hay đơn giản là hạnh phúc khi được giúp đỡ mọi người.

Mình bắt đầu để tâm hơn trong việc làm thiện, giúp đỡ mọi người hơn. Lúc đầu thì vì tâm muốn sự giàu có cho tương lai nhưng khi tìm hiểu sâu hơn và hiểu lời Sư Phụ dạy thì làm phước phải thật sâu sắc chứ không đơn thuần là bề nổi mà ta từng biết. Như làm phước mà cứ chấp niệm tính toán, khoe mẽ, ra oai là làm do ích kỉ muốn được giàu sang sau này chứ không phải thực tâm xuất phát từ lòng yêu thương thì có phước đấy nhưng lại bị nghiệp khác khiến phước ta hao tổn.

Làm rồi quên đi

Hãy làm phước mà không mong cầu sự nhận lại, thật từ trong tâm thì có không muốn giàu có, phước lành đến thì buộc phải nhận đó là luật nhân quả. Giống như khi không nghĩ đến việc mua tờ vé số để mong trúng số thì lại trúng số thật, còn khi luôn chấp niệm, tham lam mong muốn trúng số thì mua cả triệu tờ vé số không trúng là không trúng được.

Để phước ta được trọn vẹn thì khi làm điều gì hãy quên đi điều đó, làm rồi quên, không chấp niệm, phước sẽ không hao tổn. Đến một lúc ta thấy thích làm phước vì thích giúp đỡ, thích thấy người khác hạnh phúc là ta đã thấy vui rồi chứ không cầu mong gì thêm. 

Đó là những lời pháp mình đã nghe được từ Sư Phụ Thích Chân Quang. Trước đó mình có nghe rất nhiều lời pháp của nhiều Sư thầy khác, không biết cơ duyên gì mình lại được người bạn thân rủ đi sinh hoạt cùng Chúng Thanh Niên từ đó hiểu hơn về thầy và có cơ hội nghe được nhiều bài pháp hay từ thầy. Thầy Thích Giác Khang giúp mình vỡ lẽ được việc nghèo cũng nên làm phước thì Thầy Thích Chân Quang lại giúp mình hiểu sâu sắc hơn trong việc làm phước, biết nghiêm khắc, khắc khe hơn với từng suy nghĩ, vọng tưởng của bản thân.

Muốn giàu thì phải có phước dày
Tu tập cùng Chúng Thanh Niên tại khu vực Bình Thạnh

Hãy cùng mình tu tập

Con rất cảm ơn các Sư Thầy và cảm ơn phật pháp giúp con có cái nhìn, tư duy đúng đắn hơn trong quá trình từng bước làm người hướng thiện, học cách tu tập đúng đắn. Mong những ai có duyên xem hay vô tình thấy được bài blog này cũng có duyên với Phật Pháp để cùng nhau tu tập.

Cho những bạn nào chưa biết tu tập ở đâu các bạn hãy ghé thăm fanpage của Chúng Thanh Niên Phật Tử Phật Quang để cùng đến với các buổi tu tập cùng nhau ngồi thiền, làm việc thiện để có nhiều mối quan hệ tốt và tăng phước báu cho bản thân và cho những người xung quanh nữa nhé! Cảm ơn các bạn rất nhiều <3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *